Nghiên cứu tuân thủ sử dụng thuốc theo thang điểm Morisky (MMAS-8) và hiệu quả tư vấn trên bệnh nhân đái tháo đường típ 2

Từ khóa

Đái tháo đường típ 2
tuân thủ sử dụng thuốc
thang điểm đánh giá mức độ tuân thủ điều trị Morisky Type 2 diabetes
Medication adherence
Morisky Medication Adherence Scale

Ngôn ngữ sử dụng

Cách trích dẫn

Trần, T. T. N., & Lê, C. (2021). Nghiên cứu tuân thủ sử dụng thuốc theo thang điểm Morisky (MMAS-8) và hiệu quả tư vấn trên bệnh nhân đái tháo đường típ 2. Vietnam Journal of Diabetes and Endocrinology, (46), 198-212. https://doi.org/10.47122/vjde.2021.46.22

Tóm tắt

Mở đầu: Kiểm soát tốt đường huyết là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị đái tháo đường (ĐTĐ). Việc tuân thủ sử dụng thuốc (TTSDT) trong bệnh ĐTĐ là rất quan trọng để đạt được kiểm soát đường huyết tối ưu. Mục tiêu: Đánh giá TTSDT theo thang điểm Morisky (MMAS-8) và hiệu quả tư vấn trên bệnh nhân (BN) ĐTĐ típ 2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả theo dõi dọc được tiến hành trên 396 BN được chẩn đoán ĐTĐ típ 2 trong khoảng thời gian 2019 - 2020 tại bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế. Phỏng vấn trực tiếp BN bằng bộ câu hỏi, tư vấn tuân thủ sử dụng thuốc (theo Nguyên tắc điều trị cho người bệnh ĐTĐ - “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2” của Bộ Y tế); đồng thời thang điểm đánh giá mức độ tuân thủ điều trị Morisky 8 câu hỏi (The Morisky Medication Adherence Scale -MMAS-8) được sử dụng để đánh giá sự tuân thủ điều trị của BN vào thời điểm bắt đầu nghiên cứu và đánh giá lại sau 3 tháng. Kết quả: Tuổi trung bình của BN là 66,28 năm ± 14,08; 68,7% là nữ. Thời điểm bắt đầu nghiên cứu: tỉ lệ BN không tuân thủ là 36,6%. Sau 3 tháng: tỉ lệ không tuân thủ là 26,3%. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ của BN có ý nghĩa thống kê: tập thể dục thể thao thường xuyên (p = 0,009); chế độ ăn (p = 0,039); sự nhắc nhở tuân thủ điều trị từ cán bộ y tế (p = 0,042); hài lòng với dịch vụ y tế (p = 0,022). Thời điểm bắt đầu nghiên cứu: 19,2% BN có mức glucose máu đạt mục tiêu điều trị (6,3 ± 0,8 mmol/l); 22,0% BN có mức HbA1c đạt mục tiêu điều trị (6,4 ± 0,4%). Sau 3 tháng: 29,0% BN có mức glucose máu đạt mục tiêu điều trị (6,1 ± 0,9 mmol/l); 33,3% BN có mức HbA1c đạt mục tiêu điều trị (6,3 ± 0,4%). Tỷ lệ BN đạt chỉ số glucose máu và HbA1c mục tiêu tại thời điểm ban đầu và sau 3 tháng liên quan có ý nghĩa thống kê với mức độ tuân thủ dùng thuốc (p < 0,05). Kết luận: Kiểm soát đường huyết liên quan có ý nghĩa thống kê với TTSDT. Cải thiện TTSDT của BN có thể cải thiện kiểm soát đường huyết. Để cải thiện việc tuân thủ điều trị bằng thuốc, cần có sự tư vấn và giáo dục sức khỏe tốt hơn.

https://doi.org/10.47122/vjde.2021.46.22