Nghiên cứu lo âu, căng thẳng, buồn phiền ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 điều trị ngoại trú trong đại dịch COVID-19 bằng thang điểm SAVE-6 và DDS-2

Từ khóa

Diabetes
anxiety
stress
distress
SAVE-6 and DDS-2 Đái tháo đường
lo lắng
căng thẳng
buồn phiền
SAVE-6 và DDS-2

Ngôn ngữ sử dụng

Cách trích dẫn

Lê, T. N., Đỗ, T. M. P., Phạm, N. T. L., Huỳnh, T. B. H., Nguyễn Đỗ N. L., Nguyễn V. V. H., Nguyễn V. B., Nguyễn H. T., Nguyễn Đình T., & Lê, V. C. (2023). Nghiên cứu lo âu, căng thẳng, buồn phiền ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 điều trị ngoại trú trong đại dịch COVID-19 bằng thang điểm SAVE-6 và DDS-2. Vietnam Journal of Diabetes and Endocrinology, (55). https://doi.org/10.47122/VJDE.2022.55.5

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Đại dịch COVID-19 đã có những ảnh hưởng đặc biệt tới bệnh nhân đái tháo đường típ 2 (ĐTĐ típ 2), đặc biệt là những rối loạn về tâm lý. Mục tiêu: 1) Khảo sát tỷ lệ lo âu, căng thẳng, buồn phiền của bệnh nhân ĐTĐ típ 2 trong đại dịch COVID- 19 bằng thang điểm SAVE-6 và DDS-2. 2) Tìm hiểu một số yếu tố liên quan tới các trạng thái tâm lý ở bệnh nhân. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Tiến hành nghiên cứu cắt ngang ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 ngoại trú đến khám tại Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường BV Gia Đình Đà Nẵng từ tháng 10/2021 đến tháng 12/2021. 108 đối tương được chọn trả lời bộ câu hỏi thiết kế phù hợp, trong đó có thang điểm SAVE-6 và DDS-2. Các đặc điểm xã hội, đặc điểm bệnh lý và những thay đổi thói quen trong đại dịch được đánh giá thông qua phỏng vấn trực tiếp và hồ sơ bệnh án. Sử dụng phân tích hồi quy logistic đa biến để tìm ra các yếu tố ảnh hưởng độc lập đến tình trạng các rối loạn tâm lý ở bệnh nhân. Kết quả: Tỷ lệ người bệnh kiểm soát HbA1c đạt mục tiêu là 51,9%. Trung bình điểm SAVE-6 và DDS-2 lần lượt là 8,9 ± 6,3 và 2,25 ± 1,11. Có 25,9% gặp tình trạng lo âu, căng thẳng với đại dịch theo thang điểm SAVE-6 và 63% có buồn phiền do bênh ĐTĐ theo thang điểm DDS-2. Những người trình độ học vấn thấp (p=0,021) và xảy ra hạ đường máu (p=0,034) có tỷ lệ lo âu, căng thẳng cao hơn. Trong khi đó, trình độ học vấn thấp (p=0,01); béo phì dạng nam (p=0,01) và tình trạng lo âu, căng thẳng (p<0,001) làm tăng nguy cơ buồn phiền do ĐTĐ. Khi đưa vào phân tích đa biến, trình độ học vấn thấp và sự thay đổi thói quen thiếu tích cực trong đại dịch có ảnh hưởng độc lập tới tình trạng lo âu, căng thẳng do dịch virus và tình trạng buồn phiền ở bệnh nhân ĐTĐ (p < 0,05). Kết luận: Tình trạng lo âu, căng thẳng do đại dịch gặp ở khoảng ¼ số người mắc ĐTĐ, trong khi tình trạng buồn phiền do ĐTĐ tăng lên đáng kể. Cần thông tin, hỗ trợ kịp thời và tạo điều kiện duy trì những thói quen tích cực để cải thiện được cảm xúc, tâm trạng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

https://doi.org/10.47122/VJDE.2022.55.5