Giới thiệu tạp chí

Giới thiệu tạp chí

Nội dung trong trang này, xin vui lòng kéo xuống để đọc chi tiết:

1. Mục đích, tôn chỉ và phạm vi hoạt động của tạp chí

2. Chu kỳ phát hành

3. Ban biên tập

4. Quy trình phản biện

5. Quy định và thể lệ đăng bài

6. Tuyên bố về đạo đức xuất bản

7. Quy định về chống đạo văn

Tạp chí Nội Tiết & Đái Tháo Đường

TẠP CHÍ NỘI TIẾT & ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Hội Nội tiết – ĐTĐ Việt Nam (Vietnam Association of Diabetes and Endocrinology (VADE) được thành lập theo Quyết định số 34/2001/QĐ-BTCCBCP ngày 21 tháng 6 năm 2001, do ông Đỗ Quang Trung - Bộ trưởng - Trưởng Ban - Ban Tổ chức Cán bộ chính phủ ký. Kể từ ngày thành lập tới nay, dưới sự lãnh đạo của Bộ Y tế, và trực tiếp là Tổng Hội Y học Việt Nam, Hội đã hoạt động tích cực, liên tục phát triển, thu được nhiều thành tích đáng khích lệ trong công cuộc săn sóc sức khỏe nhân dân, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chuyên nghành Nội tiết, Đái tháo đường và Chuyển hóa trong nghành Y tế nước nhà. Hội Nội tiết – ĐTĐ Việt Nam đã trải qua 5 kỳ Đại hội: Lần 1, 2 và 4 tại Hà Nội; Lần 3 tại thành phố Hồ Chí Minh; Lần 5 tại Huế.

Tạp chí Nội tiết- Đái tháo đường Việt Nam đã được ra đời theo quyết định số 1740/GP-BTTT ngày 18 tháng 11 năm 2010, do Thứ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Đỗ Quý Doãn ký. Tạp chí được Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học- Công nghệ cấp Mã số chuẩn quốc tế ISSN 1859 – 4727  theo Quyết định số 18/TTKHCN – ISSN, do Cục trưởng Tạ Bá Hưng ký ngày 11/4/2012. Tạp chí đã được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước tính điểm công trình: 0- 0,5.

Hàng năm, Tạp chí xuất bản 06- 08 số, trong đó có 01- 02 số bằng tiếng Anh đạt chất lượng và có uy tín trên toàn quốc. Các bài báo có đầy đủ phản biện theo đúng qui định của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước và Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Y.

Tạp chí cũng được công bố online tất cả các số tại địa chỉ: http://vjde.vn/

1. Mục đích, tôn chỉ và phạm vi hoạt động của tạp chí

1.1. Mục đích và tôn chỉ

Tôn chỉ, mục đích của Tạp chí phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam đã được Ban Tổ chức Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) phê duyệt: Hội Nội tiết- Đái tháo đường Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của mọi công dân Việt Nam đang sinh sống trên toàn quốc, đang công tác trong ngành y tế, có sự am hiểu, quan tâm đến lĩnh vực bệnh nội tiết, chuyển hóa và đái tháo đường, cùng tham gia đóng góp cho việc nghiên cứu, phòng ngừa và điều trị đối với các bệnh này, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm thiểu những nguy cơ, biến chứng do các bệnh này gây ra đối với con người. Hội có nhiệm vụ:

  1. Tuyên truyền và giới thiệu về kiến thức Nội tiết, Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hoá để thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân; cung cấp thông tin khoa học có bằng chứng khoa học và độ tin cậy cao để phục vụ cho nghiên cứu và lâm sàng.
  2. Làm cầu nối tập hợp những người đang trực tiếp công tác, nghiên cứu và quan tâm đến lĩnh vực nội tiết và đái tháo đường trên toàn quốc để huy động tài năng, trí tuệ của các chuyên gia trong lĩnh này; hướng các hoạt động của các chuyên gia và các hội viên được triển khai một cách thống nhất dưới một tổ chức lớn mạnh.

Đối tượng phục vụ của Tạp chí: hội viên, các y, bác sĩ thuộc chuyên ngành Nội tiết- Đái tháo đường và bạn đọc quan tâm.

1.2. Phạm vi hoạt động

Tạp chí là nơi đăng tải các bài báo khoa học của chuyên ngành Nội tiết, Đái tháo đường, Rối loạn chuyển hóa trong cả nước và thế giới.

2. Chu kỳ xuất bản

Hàng năm, Tạp chí xuất bản 06- 08 số, trong đó có 01- 02 số bằng tiếng Anh đạt chất lượng và có uy tín trên toàn quốc. Các bài báo có đầy đủ phản biện theo đúng qui định của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước và Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Y.

Chu kỳ xuất bản là 1-2 tháng / 1 số tạp chí. Ngoài ra các số đặc biệt sẽ được xuất bản không theo chu kỳ.

3. Ban biên tập

4. Quy trình phản biện

4.1 Mục đích của việc phản biện

Quy trình này nhằm đánh giá, nhận xét chất lượng các bài báo đảm bảo tính khoa học, trung thực để đăng trên Tạp chí Nội tiết & Đái tháo đường nhằm đảm bảo thực hiện đúng qui định của Nhà nước, Bộ Y tế, Bộ Thông tin - Truyền thông và kế hoạch chiến lược phát triển của tạp chí và Hội

4.2. Phạm vi áp dụng

- Bài báo nghiên cứu khoa học

- Bài báo tổng quan

- Bài báo lược dịch

- Các bài báo khoa học khác có trên vjde.vn

4.3. CƠ SỞ ĐỂ XÂY DỰNG QUY TRÌNH

- Quyết định thành lập Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam

- Quyết định thành lập ban biên tập tạp chí và hội đồng khoa học tạp chí

- Các biểu mẫu và quy định do ban biên tập và hội đồng khoa học đã thông qua

4.4. Tóm tắt quy trình thực hiện

Trách nhiệm

Quy trình

Ghi chú

 

Ban Thư ký

Bước 1: Tiếp nhận bài báo

 

Ban thư ký

Bước 2: Rà soát về hình thức bài báo

 

Tổng biên tập

Bước 3: Phân công phản biện

Theo đề xuất của Ban thư ký (nếu cần thiết)

Các nhà khoa học

Bước 4: Nhận xét, đánh giá bài báo

 

Tổng biên tập

Bước 5: Hoàn thiện hồ sơ bài báo

- Ban thư ký tổng hợp

- Tổng biên tập ra quyết định

4.5. Mô tả nội dung chi tiết các bước

Bước 1. Tiếp nhận bài báo

- Tác giả gởi bài báo cho Tạp chí qua email hoặc website hoặc bản cứng đến văn phòng tạp chí.

- Ban thư ký xác nhận đã nhận bài báo qua email

Bước 2. Đánh giá về hình thức bài báo

- Ban thư ký rà soát về hình thức bài báo:

+ Nếu đáp ứng yêu cầu về hình thức bài báo thì sẽ chuyển cho các phản biện

+ Nếu chưa đáp ứng yêu cầu về hình thức bài báo thì sẽ yêu cầu tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện bài báo

- Ban thư ký tập hợp bài báo

- Biểu mẫu sử dụng:

+ Thể lệ đăng bài (Mẫu 1a): đối với bài báo tiếng Việt

+ Thể lệ đăng bài  (Mẫu 1b): đối với bài báo tiếng Anh

Bước 3: Đề xuất phản biện:

- Ban thư ký nhận xét sơ bộ về nội dung bài báo để xác định chuyên ngành chính của đề tài nghiên cứu để đề xuất 02 phản biện độc lập phù hợp với chuyên ngành của bài báo

- Ban biên tập chấp thuận hay thay đổi 02 phản biện độc lập

Bước 4. Phản biện bài báo

- Gởi nội dung cho phản biện: Ban thư ký chuyển bài báo và Phiếu phản biện cho 02 phản biện độc lập đã được phê duyệt qua email hoặc bản giấy hoặc đề nghị vào trang web tạp chí sử dụng phần mềm phản biện

- Phản biện nhận xét, đánh giá bài báo

- Gởi lại Phiếu phản biện cho Ban thư ký:

- Ban Thư ký tổng hợp các khả năng sau để chuyển thông tin đến tác giả:

+ Chấp thuận bài báo: không cần chỉnh sửa, bổ sung

+ Chấp thuận bài báo, với điều kiện:

  • Sau khi chỉnh sửa, bổ sung: chỉ cần gửi lại cho Ban thư ký
  • Sau khi chỉnh sửa, bổ sung: cần gởi lại cho phản biện (Ban thư ký có thể chuyển Phiếu phản biện cho tác giả hoặc hỗ trợ kết nối trực tiếp giữa tác giả và phản biện)

+ Không chấp thuận bài báo

- Biểu mẫu sử dụng:

+ Phiếu phản biện bài báo (Mẫu 2)

Bước 5: Hoàn thiện hồ sơ bài báo:

- Ban thư ký ghi nhận các ý kiến của phản biện và của tác giả phản hồi nhằm hoàn thiện hồ sơ bài báo

- Ban biên tập xác nhận hoàn chỉnh bài báo

 * Đối với các Hội nghị, Hội thảo chuyên đề: thời gian phản biện sẽ tùy thuộc vào từng thời điểm cụ thể tổ chức  

5. Quy định và thể lệ đăng bài

5.1. ĐỐI VỚI BÀI VIẾT LÀ CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

- Nếu bài đã được đăng trên tạp chí khác thì cần ghi chú thích ở phần cuối bài (*)

- Phần chính bài gửi đăng viết bằng tiếng Việt, khổ giấy A4, font chữ Time New Roman 12 (mã Unicode), cách dòng 1,2. Bài không quá 8 trang (kể cả bảng biểu, hình vẽ, tài liệu tham khảo, …).

- Phần cuối mỗi bài nghiên cứu khoa học cần phải ghi rõ những người thẩm định chuyên môn.

- Trình tự các phần trình bày:

- Đầu đề: ngắn gọn, không nên quá 2 dòng, chữ in đậm, font chữ 16.

- Họ tên tác giả, nơi làm việc, không ghi chức danh, học vị.

- Tóm tắt tiếng Việt: ngắn gọn các phần giới thiệu, mục tiêu, đối tượng, phương pháp nghiên cứu, kết quả, kết luận. Cuối cùng đưa ra một số từ khoá (dưới 6 từ). Chữ nghiêng, không quá 12 dòng.

- Nội dung gồm các phần sau, được đánh số La Mã từ I (dưới đó là: 1; 2;…):

. Đặt vấn đề: gồm cả mục tiêu nghiên cứu.

. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu.

. Kết quả nghiên cứu.

. Bàn luận (có thể gộp cả 2 phần thành kết quả nghiên cứu và bàn luận).

. Kết luận.

- Tài liệu tham khảo (không đánh số La Mã): không quá 10 tài liệu, theo số thứ tự từ tài liệu tiếng Việt trước, sau đó đến phần tiếng nước ngoài sắp xếp theo vần A, B, C của tên tác giả. Thứ tự: tên tác giả, năm xuất bản (để trong ngoặc đơn), tên bài, tên tài liệu (tạp chí, sách), tên nhà xuất bản, tập, số xuất bản, trang.

- Tóm tắt bằng tiếng Anh, từ khoá (tương tự như phần c, mục 1.4).

5.2. ĐỐI VỚI BÀI DỊCH, LƯỢC DỊCH

- Dưới tên bài tiếng Việt là tên bài tiếng nước ngoài. Ghi rõ tên tác giả, tên tài liệu được dịch (nguyên văn) để trong ngoặc đơn. Cuối cùng là tên người dịch.

5.3. ĐỐI VỚI BÀI DIỄN ĐÀN

- Bài viết chưa đăng tải trên bất kì ấn phẩm nào.

- Viết dưới dạng trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, chia sẻ thông tin, kĩ năng nghề nghiệp. Tránh đi sâu vào lí luận hoặc kĩ thuật quá cao, thiếu tính ứng dụng thực tế.

- Hướng tới đối tượng bạn đọc là các y, bác sĩ, kĩ thuật viên chuyên ngành Nội tiết- Đái tháo đường, nhấn mạnh tính thực tiễn, ưu tiên lí giải những bất cập và các vấn đề gặp phải, nhấn mạnh phương án tối ưu trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

- Bài từ 2000 – 3000 chữ, cách viết ngắn gọn, chú trọng đi sâu vào chuyên môn.

- Bài viết về các cơ sở y tế, cũng như các vấn đề chuyên môn cần có ảnh minh hoạ.

Chú ý:

- Sử dụng thuật ngữ chuyên ngành chính xác, khoa học.

- Hội viên Hội Nội tiết- Đái tháo đường Việt Nam được đăng bài miễn phí.

- Bản thảo bài viết được đăng hay không đều không được trả lại.

- Tác giả chịu trách nhiệm về nội dung và tính xác thực của bài viết trước Ban biên tập, công luận, Luật Báo chí và Quyền tác giả.

6. Tuyên bố về đạo đức xuất bản

6.1. Nhiệm vụ của tác giả

Quyền tác giả: Chỉ những cá nhân có đóng góp đáng kể vào nghiên cứu mới có quyền tác giả về bài viết.

Tiêu chuẩn về bản thảo bài viết: Tác giả/Các tác giả cần cung cấp bản thảo bài viết đến Tạp chí Quản lý & Kinh tế quốc tế (sau đây là Tạp chí) về kết quả nghiên cứu chưa từng được công bố/xuất bản tại bất kỳ ấn phẩm/trang thông tin nào. Tác giả/Các tác giả cũng nên trình bày khách quan về tầm quan trọng của bài nghiên cứu.

Tính nguyên bản của bản thảo, đạo văn và xác nhận nguồn: Tác giả/Các tác giả cần đảm bảo tính nguyên bản của bài viết trước khi gửi đến Tạp chí. Nếu tác giả sử dụng tài liệu hay lời trích dẫn của các nhà khoa học khác, thì tác gỉả cần phải trích dẫn, trích nguồn hoặc xin phép được sử dụng tài liệu đó trong nghiên cứu.

Truy cập và lưu trữ tài liệu: Dữ liệu, tài liệu tham khảo và các thông tin khác trong bài nghiên cứu phải được trình bày chính xác và đầy đủ để có thể được nhân rộng nghiên cứu. Nếu trong bài viết có sự gian lận hoặc cố ý đưa ra các nhận định không chính xác thì tác giả/các tác giả được coi là có hành vi phi đạo đức. Tác giả/Các tác giả cần cung cấp dữ liệu hỗ trợ nghiên cứu cho quá trình biên tập và truy cập công khai vào dữ liệu đó. Dữ liệu trong bài viết cần được lưu giữ trong một thời gian hợp lý sau khi xuất bản.

Nhiều ấn phẩm: Tác giả/Các tác giả không xuất bản các bản thảo có cùng một nội dung nghiên cứu trên nhiều hơn một tạp chí hoặc đơn vị xuất bản.

Tuyên bố về xung đột lợi ích: Trong bản thảo bài viết, tất cả tác giả cần nêu rõ các mối quan hệ cá nhân và các nguồn tài chính với những cá nhân khác hoặc các tổ chức có khả năng tác động không phù hợp đến công trình nghiên cứu. Tác giả/Các tác giả cần liệt kê cụ thể các nguồn hỗ trợ tài chính cho việc thực hiện nghiên cứu và/hoặc hoàn thiện bài viết. Nếu nguồn tài trợ không có bất kỳ sự liên quan nào thì tác giả/các tác giả cũng cần phải tuyên bố rõ ràng trong bài viết. Các tác giả cần trình bày sớm nhất có thể những mâu thuẫn tiềm ẩn về quyền lợi liên quan đến bài viết.

Thông báo về các sai sót trong ấn phẩm đã xuất bản: Khi tác giả/các tác giả phát hiện có sai sót trong bài viết đã xuất bản thì phải thông báo ngay cho Ban Biên tập của Tạp chí để rút bài hoặc sửa chữa những nội dung cụ thể trong bài viết nếu Ban Biên tập nhận thấy cần thiết. Nếu Ban Biên tập và Tạp chí nhận được thông báo từ bên thứ ba về lỗi sai trong ấn phẩm, thì tác giả/các tác giả có trách nhiệm  hợp tác kịp thời cùng với Ban Biên tập, bao gồm việc cung cấp đầy đủ bằng chứng cho Ban Biên tập khi được yêu cầu.

6.2. Nhiệm vụ của chuyên gia phản biện

Đóng góp trong quyết định biên tập: Nhiệm vụ của các nhà khoa học - chuyên gia phản biện nhằm hỗ trợ Ban Biên tập Tạp chí đưa ra quyết định trong quá trình biên tập và thông qua nhận xét cụ thể các nghiên cứu, từ đó hỗ trợ tác giả/các tác giả và Tạp chí nâng cao chất lượng bài viết. Khi chuyên gia phản biện được Tạp chí mời mà nhận thấy bản thân không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện phản biện nghiên cứu được gửi đến hay biết rằng nếu thực hiện phản biện cũng sẽ không mang tính khả thi thì cần phải thông báo ngay cho Ban Biên tập và gửi thư từ chối lời mời tham gia vào quy trình phản biện của Tạp chí.

Tính bảo mật: Bất kỳ bản thảo nào đang trong quy trình phản biện của Tạp chí thì đều được xem như là tài liệu bảo mật. Chuyên gia phản biện không được chia sẻ tất cả các đánh giá hoặc thông tin về bài viết với bất kỳ ai hay liên hệ trực tiếp với tác giả mà không được sự đồng ý của Ban Biên tập. Chuyên gia phản biện không được sử dụng các tài liệu/kết quả nghiên cứu trong bản thảo bài viết mà không có sự đồng ý của tác giả/các tác giả.

Cảnh báo về các vấn đề đạo đức: Các chuyên gia phản biện cần có nhận thức cao về các vấn đề xung đột lợi ích tiềm ẩn liên quan đến bài viết và thông báo ngay đến Ban Biên tập, bao gồm bất kỳ sự tương đồng và trùng lặp đáng kể giữa các bản thảo đang xem xét với các bài viết đã được công bố mà chuyên gia phản biện biết đến.

Tiêu chuẩn về tính khách quan: Công tác phản biện cần được thực hiện một cách khách quan mà không có sự thiên lệch mang tính cá nhân nào trong quá trình phản biện bản thảo. Việc phê bình cá nhân tác giả/các tác giả đang gửi bản thảo bài viết được coi là không phù hợp. Nếu chuyên gia phản biện đề xuất tác giả đưa trích dẫn nghiên cứu của mình (hoặc cộng sự) vào bài viết thì đó là vì lý do khoa học chính đáng chứ không phải vì mục đích làm tăng số trích dẫn bài nghiên cứu hay nâng cao tính minh bạch của công trình nghiên cứu của mình (hoặc cộng sự).

6.3. Nhiệm vụ của Ban Biên tập

Quyết định xuất bản: Ban Biên tập của Tạp chí chịu hoàn toàn trách nhiệm và độc lập đối với việc quyết định đăng tải và xuất bản các bài viết gửi về Tạp chí. Mọi thành viên Ban Biên tập phải tuân thủ các chính sách của Tạp chí và chịu sự ràng buộc từ các quy định pháp luật khác.

Phản biện của chuyên gia: Thành viên Ban Biên tập phải đảm bảo tính công bằng, không thiên vị và đúng hạn trong quy trình phản biện. Bài viết phải được phản biện bởi ít nhất 2 chuyên gia độc lập bên ngoài và khi cần thiết thành viên Ban Biên tập có thể tham khảo thêm các ý kiến khoa học khác. Thành viên Ban Biên tập cần lựa chọn chuyên gia phản biện có chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của bài viết để tránh việc lựa chọn các chuyên gia phản biện không phù hợp.

Tính công bằng: Thành viên Ban Biên tập đánh giá bản thảo gửi đến Tạp chí dựa trên nội dung khoa học. Ban Biên tập cần thiết lập một cơ chế minh bạch để đưa ra các quyết định biên tập các bài viết của Tạp chí.

Tính bảo mật: Thành viên Ban Biên tập phải đảm bảo tính bảo mật của tất cả các bản thảo gửi đến Tạp chí và các cuộc trao đổi với chuyên gia phản biện. Thành viên Ban Biên tập cần giữ kín thông tin về các chuyên gia phản biện và không được phép sử dụng các thông tin trong bản thảo để phục vụ cho mục đích cá nhân.

Công khai về xung đột lợi ích: Thành viên Ban Biên tập không được tham gia vào quy trình xét duyệt các bài viết mà họ tự viết hoặc các thành viên gia đình, đồng nghiệp tham gia viết, hay là bất cứ vấn đề gì liên quan đến sản phẩm hay dịch vụ mà trong đó thành viên Ban Biên tập được hưởng lợi ích.

7. Quy định về chống đạo văn

Tác giả gửi bài không được vi phạm đạo văn theo một trong các hình thức sau

1. Sử dụng các đoạn văn, thông tin, số liệu, hình ảnh từ tác phẩm của người khác đưa vào tác phẩm của mình mà không chỉ dẫn nguồn gốc tác phẩm được trích dẫn.

2. Cung cấp không chính xác về tác giả, nguồn của thông tin được trích dẫn.

3. Không dẫn nguồn đã trích khi thay đổi từ ngữ, di chuyển từ ngữ, câu, đoạn, ý tưởng của tác giả khác; gắn từ ngữ, câu đoạn của các nguồn khác nhau và chỉnh sửa lại trong bài viết, thay đổi từ ngữ, cụm từ, câu nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc đoạn văn hoặc bài viết.

4. Diễn giải đoạn văn, nội dung trong tác phẩm của người khác bằng ngôn ngữ của mình mà không trích dẫn nguồn gốc tác phẩm được sử dụng, tóm tắt nội dung các tác phẩm của người khác nhưng không trích dẫn nguồn gốc của tác phẩm được sử dụng.

5. Trích dẫn một hoặc nhiều tác phẩm của người khác để hình thành tác phẩm của mình có dung lượng chiếm từ 20% nội dung tác phẩm trở lên, dù có thực hiện đúng quy định về trích dẫn nguồn. Quy định này không áp dụng đối với việc trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình.

6. Chiếm đoạt tác phẩm của người khác và trình bày như tác phẩm của mình:

a. Sao chép toàn bộ tác phẩm của người khác thành tác phẩm của mình, bao gồm các trường hợp thuê viết hoặc nhờ người khác viết hộ;

b. Dịch hoặc diễn đạt toàn bộ hoặc một phần tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc ngược lại để tạo thành ít nhất 20% tác phẩm của mình mà không chỉ rõ các thông tin về tác phẩm gốc.

7. Sử dụng hơn 30% những tác phẩm của mình đã công bố vào những tác phẩm do mình là tác giả hoặc đồng tác giả mà không ghi rõ nguồn, tức là hình thức tự đạo văn.

8. Những hình thức khác theo quy định của pháp luật.