Nghiên cứu một số yếu tố nguy cơ, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, tổn thương mạch vành ở bệnh nhân hội chứng vành cấp dưới 40 tuổi

Từ khóa

acute coronary syndrome
40 years old hội chứng vành cấp
40 tuổi

Ngôn ngữ sử dụng

Cách trích dẫn

Huỳnh, V. M., Hồ, A. B., & Đinh, T. A. (2022). Nghiên cứu một số yếu tố nguy cơ, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, tổn thương mạch vành ở bệnh nhân hội chứng vành cấp dưới 40 tuổi. Vietnam Journal of Diabetes and Endocrinology, (51), 86-93. https://doi.org/10.47122/vjde.2022.51.12

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Có ít dữ liệu liên quan đến đặc điểm của hội chứng vành cấp ở người Việt Nam trẻ tuổi (<40 tuổi). Mục tiêu của nghiên cứu này là so sánh một số yếu tố nguy cơ, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, tổn thương mạch vành và tiên lượng tử vong theo thang điểm GRACE, TIMI của bệnh nhân hội chứng vành cấp (HCVC) trẻ tuổi so với bệnh nhân lớn tuổi. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang gồm 69 bệnh nhân HCVC tại Trung tâm Tim mạch Can thiệp Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đại học Y Dược Huế từ tháng 5/2017 đến tháng 12/2018. Những bệnh nhân này được chia thành hai nhóm: 33 bệnh nhân <40 tuổi (nhóm 1) và 36 bệnh nhân ≥40 tuổi (nhóm 2). Đặc điểm nhân trắc học, hồ sơ yếu tố nguy cơ, những phát hiện về lâm sàng, cận lâm sàng, tổn thương mạch vành và tiên lượng tử vong được so sánh giữa hai nhóm. Kết quả: So với nhóm 2, tỷ lệ nam giới, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có bệnh động mạch vành ở nhóm 1 cao hơn và tỷ lệ tăng huyết áp, đái tháo đường thấp hơn (tương ứng 84,8%; 57,6%; 18,2% và 30,3%; 3,0% ở nhóm 1 so với 55,6%; 33,3%; 2,8% và 69,4%; 22,2% ở nhóm 2; p<0,05). Nhóm 1 bị đau ngực nặng hơn (tỷ lệ đau ngực độ III-IV theo CCS là 69,7% ở nhóm 1 so với 36,1% ở nhóm 2; p<0,05) và huyết áp tâm thu thấp hơn (trung vị là 120 mmHg ở nhóm 1 so với 135 mmHg ở nhóm 2; p<0,05). Tỷ lệ đau thắt ngực không ổn định (ĐTNKÔĐ) và nhồi máu cơ tim có ST chênh lên (STEMI) cao hơn ở nhóm 1 (tương ứng 51,5% và 36,4% ở nhóm 1 so với 30,6% và 11,1% ở nhóm 2; p<0,05); trong khi đó tỷ lệ nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên (NSTEMI) cao hơn ở nhóm 2 (58,3% ở nhóm 2 so với 12,1% ở nhóm 1; p<0,05). Nhóm 1 có nồng độ Glucose máu thấp hơn và nồng độ Creatinine máu cao hơn so với nhóm 2 (tương ứng trung vị là 5,3 mmol/l và 80 µmol/l ở nhóm 1 so với 6,44 mmol/l và 72,5 µmol/l ở nhóm 2; p<0,05). Tỷ lệ bệnh động mạch vành (CAD) 1 thân, chụp động mạch vành (CAG) bình thường, hẹp động mạch vành không đáng kể ở nhóm 1 cũng cao hơn và tỷ lệ CAD đa thân thấp hơn so với nhóm 2 (tương ứng là 45,5%; 33,3%; 12,1% và 9,1% ở nhóm 1 so với 33,3%; 2,8%; 2,8% và 61,2% ở nhóm 2; p<0,05). Nhóm 1 có điểm Gensini, điểm GRACE và điểm TIMI thấp hơn (tương ứng trung vị là 5; trung bình là 78,55 và trung vị là 2 ở nhóm 1 so với 37,5; 130,22 và 3 ở nhóm 2; p<0,05). Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ có liên quan đến CAD tắc nghẽn ở nhóm 1 (OR = 7,12; 95% CI: 1,25-40,63; p<0,05). Kết luận: Bệnh nhân HCVC trẻ tuổi chủ yếu là nam giới, hút thuốc lá và có tiền sử gia đình mắc CAD; mức độ đau ngực nặng hơn và huyết áp tâm thu thấp hơn; tỷ lệ ĐTNKÔĐ và STEMI cao hơn. Ngược lại, bệnh nhân lớn tuổi có nồng độ Glucose máu cao hơn và Creatinine máu thấp hơn; tỷ lệ CAD đa thân cao hơn. Điểm Gensini, GRACE và TIMI thấp hơn ở bệnh nhân trẻ tuổi. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ có liên quan đến CAD tắc nghẽn ở bệnh nhân trẻ tuổi.

https://doi.org/10.47122/vjde.2022.51.12